Sao mấy doanh nghiệp A, công ty B có hàng X ngàn tỷ đồng mà vẫn chậm trả nợ trái phiếu là sao?

Đây là một bài viết hay của anh Thuan Nguyen giải thích về số dư tiền trên bctc và khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của các Doanh nghiệp. Bài học từ quá khứ luôn là hữu ích để chúng ta đánh giá và dự liệu về sự tiếp diễn tương lai:

Bài viết gốc: Sao mấy doanh nghiệp A, công ty B có hàng X ngàn tỷ đồng mà vẫn chậm trả nợ trái phiếu là sao? 

Nội dung bài viết:

Dạo này anh em bạn bè và một số nhà đầu tư hay hỏi kiểu “sao mấy doanh nghiệp A, công ty B có hàng X ngàn tỷ đồng mà vẫn chậm trả nợ trái phiếu là sao?”
Chia sẻ vài điều mang tính hướng dẫn chung chung lên face để mọi người tham khảo.

1. Số dư “tiền” (theo định nghĩa rộng bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng < 3 tháng) và đầu tư tài chính ngắn hạn khác (có tính thanh khoản) không phải là đều có thể dùng để thanh toán được ngay có thể vì mấy lý do:

- Có thể là tiền được phong tỏa vì các cam kết mà DN không thể tiêu được, hay còn gọi là restricted cash
- Tiền nhận của bên thứ ba nào đó để cam kết cho một mục đích nào đó cụ thể theo yêu cầu/uỷ thác của họ.
- Đó là con số lịch sử chứ không phải là hôm nay có thể dùng để thanh toán. Thực tế một số DN thì tiền chỉ về BCTC vào thời điểm cuối quý. Còn lại là họ tối ưu cho mục đích khác. Ai quan tâm sâu thì cứ thử lấy “thu nhập lãi từ tiền gửi” chia cho “số dư tiền gửi bình quân” quy ra năm mà thấp hơn nhiều mức lãi mà các ngân hàng công bố là có thể đoán được.
- Tiền trên BCTC nhiều trường hợp là dựa trên hợp nhất báo cáo tài chính. Hay nói cách khác, tiền nằm ở công ty con nào đó mà nó được “cộng” vào tiền của công ty hợp nhất và nó chỉ có ý nghĩa về mặt báo cáo chứ không thể dùng được. Hoặc muốn “luân chuyển” qua hoạt động corporate treasury thì thủ tục phức tùy theo mô hình quản trị/khả năng kiểm soát và thủ tục phê duyệt các giao dịch liên quan. Do đó, số tiền hợp nhất trên BCTC đó chỉ mang ý nghĩa tượng trưng nếu tổ chức phát hành là công ty mẹ.

2. Quan trọng hơn cả đó là “dòng tiền ra, vào” trong tương lai.

Khả năng trả nợ chỉ phụ thuộc một phần vào số dư tiền đó mà quan trọng hơn là các dòng tiền mà DN phải trả, bao gồm thay đổi vốn lưu động (ví dụ nợ đọng phải thu, nhà cung cấp đòi tiền sớm hơn…); phụ thuộc vào cam kết phải thanh toán đầu tư dự án/ tài sản cố định, v.v. trước khi tính đến phải trả nợ vay (gốc và lãi của tín dụng ngân hàng và trái phiếu …). Dĩ nhiên là cân cả dòng tiền tạo ra từ kinh doanh trong kỳ đó nữa (thường là EBITDA nhưng chỉ số này áp dụng cho các DN BĐS thì không phản ánh chính xác vì thường là nhận trước khi mở bán rồi khi nào bàn giao nhà mới ghi nhận được doanh thu).

3, Riêng về nghĩa vụ nợ vay, trong đó có trái phiếu thì không chỉ Nợ vay (ngắn hạn và dài hạn). Nó còn có thể bao gồm cả các nghĩa vụ nợ khác.

Ví dụ:
+ Nghĩa vụ thanh toán thuê hoạt động như văn phòng, máy móc...
+ Cam kết bảo lãnh thanh toán (hiện chuẩn mực kế toán Việt Nam cũng chưa yêu cầu thuyết minh, ngoại trừ BCTC của các tổ chức tín dụng). Thực tế một số DN thực hiện bảo lãnh thanh toán cho công ty khác (thường là cty liên quan) khi phát hành trái phiếu hoặc vay ngân hàng nhưng trên BCTC không có thông tin cho chúng ta đánh giá.
+ Các nghĩa vụ tài chính phải trả lãi vay khác dưới hình thức nhận ủy thác hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh… hầu hết không được hạch toán vào Nợ vay ngắn hạn hoặc Nợ vay dài hạn. Nên đôi khi, các khoản đó lại phải thanh toán trước, khi đó thanh toán trái phiếu là đến sau.
+ Các khoản tiền nhận trước từ việc bao thanh toán (factoring) các khoản phải thu…
Tức là Nợ vay có thể nhiều hơn số trên BCTC.
Nói tóm lại, khả năng trả nợ trong ngắn hạn của một DN phụ thuộc vào tình trạng thanh khoản chứ không phải DN có bao nhiêu tiền. Mà thanh khoản thì là việc cân đối giữa nguồn tiền đang có (và có thể sử dụng) và nguồn tiền tạo ra so với việc sử dụng thanh khoản (nhất là các nghĩa vụ thanh toán buộc phải thực hiện). Trái phiếu thì thường có thứ tự ưu tiên sau so với các nghĩa vụ thanh toán thương mại.

4. Và quan trọng hơn cả, trong ngành phân tích tín dụng hay xếp hạng tín nhiệm thì có một nguyên lý là không chỉ dừng lại ở khả năng trả nợ (ability to pay) mà là thiện chí trả nợ (willing to pay) ra sao!

Nói tóm lại, thông tin trên báo cáo tài chính chỉ là một phần nhỏ để có thể đánh giá được khả năng trả nợ của một doanh nghiệp.
Nghề phân tích tín dụng và xếp hạng tín nhiệm thì dễ hơn nghề phân tích chứng khoán ở chỗ là không phải đi tìm “giá trị hợp lý của cổ phiếu” 😜. Nhưng nó lại khó hơn ở chỗ là phải điều chỉnh rất nhiều các con số kế toán trên BCTC để xác định được khả năng đáp ứng nghĩa vụ tài chính nói chung và nghĩa vụ nợ nói riêng. Quan trọng hơn hết là phải rà soát được dự báo và theo dõi được dòng tiền và khả năng cân đối thanh khoản, ngoài các yếu tố khác.
Happy Investing!
author
Tác giả

iShareinvest

" The market can stay irrational longer than you can stay solvent. " - John Maynard Keynes

Hãy là người đầu tiên đánh giá và chia sẻ ý kiến của bạn!

Bình luận gần đây

Chưa có bình luận. Hãy là người đầu tiên tham gia thảo luận chủ đề này


Tham gia thảo luận: