Tầm quan trọng của Quản lý tài sản
Sự gia tăng về thu nhập của các tầng lớp dân cư trên nhiều quốc gia đã hình thành nên tầng lớp người giàu, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành quản lý tài sản, trong đó có Việt Nam.
Được xem là quốc gia với tốc độ tăng trưởng người giàu nhanh nhất thế giới (31%), Việt Nam dự kiến sẽ có 511 người có tài sản trên 30 triệu USD và 25.812 sở hữu tài sản hơn 1 triệu USD trong năm 2025 - dự báo theo Knight Frank.
Đồng thời, Việt Nam cũng là khu vực có nhiều người giàu tự thân nhờ sự tăng trưởng của các ngành bán lẻ, công nghệ, bất động sản và tài chính. Điều này tạo ra cơ hội rất lớn cho ngành quản lý tài sản tăng trưởng mạnh trong tương lai.
Quản lý tài sản sẽ giúp các nhà đầu tư bảo toàn và gia tăng tài sản của mình hiệu quả hơn.
Mang đến dịch vụ tài chính khép kín từ quản lý dòng tiền, tư vấn lập kế hoạch tài chính, xây dựng và quản lý danh mục đầu tư, kế hoạch bảo hiểm nhân thọ, hưu trí, thừa kế…, quản lý tài sản cung cấp chuỗi dịch vụ tài chính đa dạng, được thiết kế theo nhu cầu riêng biệt của từng cá nhân.
Cùng với sự gia tăng mức độ giàu có, nhu cầu quản lý tài sản của giới giàu tại Việt Nam cũng có những thay đổi đáng kể, thay vì đầu tư truyền thống như, gửi tiền tiết kiệm, mua vàng, ngoại tệ, mua bất động sản, các cá nhân có xu hướng đầu tư mở rộng không chỉ gồm cổ phiếu, trái phiếu mà còn mở rộng sang các kênh đầu tư mới như bảo hiểm, quỹ tương hỗ, quỹ hưu trí, ……
Sự thay đổi hành vi của thế hệ nhà đầu tư mới theo xu hướng tiếp cận các dịch vụ tài chính toàn diện đang ngày càng trở nên mạnh mẽ, tạo ra chất xúc tác thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ tư vấn tài chính quản lý gia sản chuyên nghiệp. Điều này cho thấy xu hướng tự đầu tư trực tiếp đã dần được thay thế bởi hình thức uỷ thác đầu tư cho các công ty quản lý quỹ, công ty quản lý gia sản..
Điển hình có thể kể đến nhà đầu tư thế hệ X và Y đã lập kế hoạch tài chính cho cuộc sống của mình từ rất sớm như tài chính ổn định, mua nhà, mua xe, kế hoạch học hành cho con cái, chăm sóc bố mẹ lớn tuổi, và kế hoạch hưu trí cho bản thân … Chính vì vậy, các nhà đầu tư có nhu cầu tìm đến các công ty quản lý gia sản để cùng lên kế hoạch không những thực hiện các mục tiêu của mình mà còn tìm kiếm sự tư vấn phương thức đầu tư mới nhằm gia tăng gia sản, ngày càng thịnh vượng hơn.
Tính đến đầu năm 2018, có 70% khách hàng thực hiện dịch vụ uỷ thác đầu tư tại quỹ đầu tư SSIAM có độ tuổi dưới 40, 32% đối với khách hàng có độ tuổi dưới 30. Như vậy có thể thấy, không chỉ các cá nhân giàu có, ngay cả thế hệ trẻ hiện nay cũng nhận thức được vai trò và giá trị của dịch vụ quản lý tài sản.
Bên cạnh đó, theo ước tính tới năm 2050, số lượng người dân có độ tuổi từ 60 tuổi trở lên cũng chiếm đến gần 30% dân số Việt Nam, khoảng 32 triệu người. Dự báo tốc độ già hóa dân số Việt Nam cũng sẽ còn tăng nhanh trong những năm sắp tới.
Cơ cấu dân số thay đổi theo hướng già hóa khiến cho nhu cầu xây dựng kế hoạch hưu trí và thừa kế của các nhà đầu tư đang trở thành vấn đề cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Không chỉ mong muốn tận hưởng "quả ngọt" của những năm tháng cống hiến làm việc, các nhà đầu tư còn có nhu cầu thiết lập quyền thừa kế tài sản để thế hệ kế thừa có thể tiếp nhận thuận lợi và tiếp tục được hỗ trợ quản lý tài sản một cách tốt nhất. Nhằm mang đến hiệu quả sinh lời tốt và được duy trì đa dạng tại các loại hình đầu tư, đảm bảo một tương lai bền vững cho người ủy thác, đòi hỏi năng lực dịch vụ quản lý tài sản trong ngành cũng phải được tăng cường, phát triển tương ứng, nhằm đáp ứng tối đa kỳ vọng của khách hàng trong tương lai.
Quản lý tài sản là một lĩnh vực hoạt động dựa trên sự tín nhiệm của các cá nhân, nhà đầu tư và người uỷ thác tài sản. Chính vì thế, để nắm bắt tốt các cơ hội tăng trưởng trong tương lai và tiếp tục có những bước phát triển bền vững, các doanh nghiệp trong ngành tài chính ngân hàng cần trở thành "Nhà cố vấn công tâm" - "Trusted Advisor" và tận dụng kiến thức chuyên môn, phát huy tối đa năng lực để tìm hiểu nhu cầu, khẩu vị rủi ro của khách hàng từ đó có thể giúp khách hàng nắm bắt cơ hội đầu tư, hoạch định phân bổ tài chính phù hợp nhất với từng mục tiêu ưu tiên cho ở giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của khách hàng.
Bình luận gần đây
Chưa có bình luận. Hãy là người đầu tiên tham gia thảo luận chủ đề này
Tham gia thảo luận: