Ngân hàng – Phân tích được sử dụng phổ biến: CAMEL

Ta cần quan tâm gì khi xem xét tình hình hoạt động của một ngân hàng?

Mỗi ngành sản xuất kinh doanh sẽ có một đặc thù riêng, tùy vào mô hình, đặc điểm hoạt động mà các công ty biến các nguồn lực thành sản phẩm, dịch vụ tới tay người tiêu dùng và thu được lợi nhuận. Do vậy đối với mỗi ngành sẽ có từng nhân tố mà chúng ta sẽ cần phải quan tâm nhiều hơn, vì có vai trò cốt lõi hơn. Ví dụ như đối với công ty công nghiệp nặng chúng ta quan tâm về việc đầu tư tài sản cố định, với công ty dệt may ta có thể quan tâm hơn về tình hình nhân công, v..v… Vì vậy với ngành ngân hàng sẽ có một số chỉ tiêu hoạt động quan trọng mà khi xem xét tình hình hoạt động chúng ta không nên bỏ qua. Nó sẽ giúp hình thành nên một bức tranh tổng quát về hoạt động của một ngân hàng, trước khi chúng ta muốn tìm hiểu sâu hơn về những khía cạnh khác.

Mô hình phân tích CAMEL thường được sử dụng trong phân tích tình hình hoạt động các doanh nghiệp ngân hàng. 

Mô hình CAMEL là viết tắt chữ cái đầu tiếng anh của 5 chỉ tiêu: [C]apital Adequacy (Mức độ an toàn vốn), [A]sset Quality (Chất lượng tài sản), [M]anagement (Quản trị), [E]arnings (Thu nhập), [L]iquidity (tính thanh khoản)

Nội dung Chỉ tiêu định lượng thể hiện
[C] – Capital Adequacy

Mức độ an toàn vốn

– Tỷ lệ an toàn vốn (hệ số CAR)
– Tỷ lệ Vốn chủ sở hữu / Tổng tài sản
[A] – Asset Quality

Chất lượng tài sản

– Tỷ lệ nợ xấu (hệ số NPL)
– Tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay (hệ số LLR)
[M] – Management

Quản trị

– Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (hệ số CIR)
[E] – Earnings

Thu nhập

– ROA, ROE
– Biên lãi ròng (hệ số NIM)
– Tỷ suất sinh lời trên các tài sản có sinh lãi (hệ số YOEA)
– Tỷ lệ chi phí huy động vốn (hệ số COF)
[L] – Liquidity

Thanh khoản

– Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (hệ số LDR)

C] Mức độ an toàn vốn

Đối với một doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, việc huy động vốn và tài trợ vốn là vấn đề kinh doanh cơ bản (như phần trước mình có nói về quan hệ tín dụng của ngành này). Do vậy khả năng mở rộng kinh doanh trong tương lại phụ thuộc rất lớn vào việc công ty có đủ vốn để tài trợ hay không.

Sau khi đang xác định được mục đích mình cần xet xét là gì thì chúng ta sẽ đi tìm những chỉ tiêu thể hiện điều đó. Với mức độ an toàn vốn, một số chỉ tiêu hay được dùng để xem xét đặc điểm này là: Tỷ lệ an toàn vốn và Tỷ lệ Vốn chủ sở hữu / Tổng tài sản

1. Tỷ lệ an toàn vốn – Hệ số CAR

Tiếng anh là Capital Adequacy Ratio – CAR, còn gọi là hệ số CAR.

CAR là một chỉ tiêu kinh tế phản ánh mối quan hệ giữa vốn tự có với tài sản có điều chỉnh rủi ro của ngân hàng thương mại.

Công thức tính tổng quát như sau:

CAR = Vốn chủ sở hữu / Tài sản có rủi ro

Cách tính hệ số CAR này khá phức tạp, nó không trực quan như khi chúng ta lấy một chỉ tiêu sẵn có trên báo cáo tài chính.

2. Tỷ lệ Vốn chủ sở hữu / Tổng tài sản

Công thức sẽ giống như tên gọi

= Vốn chủ sở hữu (chia cho / ) Tổng tài sản

Đặc điểm của ngân hàng là tài sản hay vốn chủ hay vay nợ đều là tiền, tất cả là tiền. Chưa có một ngành nào giá trị sổ sách với giá trị thị trường lại ít chênh lệch nhau như vậy. Theo nguyên lý thì 1 doanh nghiệp dùng vốn tự có (equity) và vay nợ (liability) để đầu tư vào tài sản (assets), rồi hoạt động và tạo ra lợi ích (đây cũng chính là nguyên lý cơ bản của bảng cân đối kế toán. Mà tài sản của ngân hàng chính là hoạt động tín dụng của chính nó.

Có thể nói hệ số CAR là một trường hợp con của tỷ lệ Vốn chủ sở hữu / Tổng tài sản này, khi mà CAR chỉ tính đến các tài sản có rủi ro thôi.

Tỷ lệ này càng cao thì mức độ an toàn vốn hoạt động của ngân hàng cũng càng cao. Chỉ tiêu này khá dễ tính toán, dùng số liệu trong báo cáo tài chính sẽ có. Xem chi tiết cách áp dụng tại link này:

[A] Chất lượng tài sản

Rủi ro tín dụng là rủi ro không thể thu hồi được các khoản cho vay, đây vừa là đặc thù của ngành vừa là rủi ro lớn nhất. Do vậy việc quản trị chất lượng các khoản nợ là yếu tố sống còn. Như đã nói đến ở phần trước, điều cốt lõi nhất cho việc vận hành quan hệ tín dụng gồm 3 điều: “Phải có niềm tin, phải trả nợ, và phải trả đủ cả lãi”. Từ đó sinh ra rất nhiều nghiệp vụ trong ngành này, ví dụ như: đánh giá chấm điểm khách vay (credit rating, thẩm định), xem xét lịch sử tín dụng, tìm cách thu hồi nợ, vân vân…

Vậy khi đánh giá đặc điểm này, chúng ta sẽ thường nhìn vào đâu?

1. Tỷ lệ nợ xấu

Tiếng anh là Non-perfoming loan (NPL), nợ xấu được xác định là nợ nhóm 3-5, cũng có nhiều khi xếp luôn nhóm 2-5 (cứ chậm là tính cả vào). Khoản nợ này được tính sang % so với tổng tài sản.

Tỷ lệ NPL = Nợ xấu / tổng tài sản

Tỷ lệ nợ xấu, nợ khó có khả năng thu hồi càng cao thì ngân hàng dễ đổ vỡ. Để tính được giá trị nợ xấu ta tìm trong thuyết minh báo cáo tài chính của ngân hàng đó sẽ thấy. Người ta thường bảo rằng con số thì có thể du di nhưng xu hướng thì không thể, chúng ta ngoài việc quan tâm xem tỷ lệ nợ xấu là cao hay thấp thì nên xem đến xu hướng qua các năm. Bởi vì người ra có thể “cook” số liệu một thời điểm nhưng liên tục trong thời gian dài thì không thể.

Để tìm hiểu về cách áp dụng, xem thêm ở link này: Tỷ lệ nợ xấu.

2. Tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay

Tiếng anh là Loan-loss reserve (LLR)

LLR = Mức dự phòng rủi ro cho vay / Nợ xấu

Ngân hàng có đặc thù là luôn trích lập ra một khoản dự phòng trong trường hợp rủi ro không thu hồi được nợ. Giống như các doanh nghiệp sản xuất thường có dự phòng giảm giá hàng tồn kho thì doanh nghiệp kinh doanh tài chính này cũng vậy. Khoản trích lập dự phòng này sẽ được duy trì và là một khoản chi phí của doanh nghiệp. Khoản dự phòng càng nhiều thì nợ xấu càng ít đe dọa đến ngân hàng hơn.

Về mặt con số thì giá trị nợ xấu được nói đến ở phần trên, còn phần trích lập rủi ro tín dụng được tìm thấy trong báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp (P&L statement).

Từ con số tính toán ra được ta xem xét xu hướng diễn biến của nó qua các năm và so sánh nó với doanh nghiệp cùng ngành. Điều này quan trọng hơn so với 1 con số đứng riêng lẻ.

M] Quản trị

Nhiều nhà phân tích chuyên nghiệp coi quản lý là yếu tố quan trọng nhất trong hệ thống phân tích CAMEL. Các quyết định của người quản lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các yếu tố hoạt động cũng như rủi ro của ngân hàng. Đây là một tiêu chí phần nhiều mang tính chất định tính. Thông thường các nhà đầu tư, tổ chức xếp hạng thường đến gặp gỡ tiếp xúc trực tiếp với ban lãnh đạo và phỏng vấn dựa trên kinh nghiệm về một số tiêu chí như: mức độ tuân thủ, kinh nghiệm M&A, tầm nhìn, kế hoạch phát triển.

Có một chỉ tiêu định lượng mà ta cũng có thể tham khảo cho mục này, đó là:

Tỷ lệ chi phí trên thu nhập

Tiếng anh là Cost-to-income ratio (CIR)

CIR = Chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp / Tổng thu nhập hoạt động

(= S,G&A expenses / operating income)

Chỉ tiêu này cho biết mức độ hiệu quả trong vận hành doanh nghiệp. Chỉ tiêu này càng được hạ thấp qua các năm thì có thể là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp quản trị hiệu quả hơn.

[E] Earning – Thu nhập

Đối với đánh giá về tình hình sinh lời, người ta thường sử dụng các chỉ tiêu quen thuộc như ROA, ROE, đối với ngành ngân hàng thì có thêm các chỉ tiêu khác biên lãi ròng (NIM),  Tỷ suất sinh lời trên các tài sản có sinh lãi (YOEA) hay tỷ lệ chi phí huy động vốn (COF).

1. ROA, ROE

Chất lượng lợi nhuận của ngân hàng cũng được xem xét gần giống với các doanh nghiệp thuộc ngành khác với việc sử dụng 2 chỉ tiêu ROA (Return on assets – Thu nhập trên tài sản) và ROE (Return on Equity – Thu nhập trên vốn chủ sở hữu). Như phần trước mình có nhắc đến, phần lớn tài sản của ngân hàng của tiền mặt và nên giá trị sổ sách luôn theo sát giá trị thị trường; do đó sử dụng chỉ tiêu ROA cho doanh nghiệp trong ngành ngân hàng là rất phổ biến. Các chỉ số này càng tăng dần qua các năm và cao so với trung bình ngành thì là ổn.

ROA = Lợi nhuận sau thuế / Tổng tài sản

ROE = Lợi nhuận sau thuế / Vốn chủ sở hữu

2. Biên lãi ròng (NIM)

Tiếng anh là Net-interest-margin, hệ số NIM

NIM là chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng, cho biết hiện các ngân hàng đang thực sự hưởng chênh lệch lãi suất giữa hoạt động huy động và hoạt động đầu tư tín dụng là bao nhiêu. Vì tín dụng là hoạt động cốt lõi của ngân hàng, chỉ tiêu NIM gần như là thước đo quan trọng và rất hay dùng trong ngành này.

Công thức tính của NIM là

NIM = Thu nhập lãi thuần / Tài sản sinh lãi bình quân

Tài sản sinh lãi bao gồm các khoản tiền gửi, các khoản cho vay, các khoản đầu tư. Bởi vì chỉ tiêu tài sản được xác định theo thời điểm nên khi tính NIM cho 1 năm, người ta thường dùng trung bình của các khoản sinh lãi này ở đầu năm và cuối năm. Xuống dưới mình sẽ làm ví dụ để chúng ta thử tính toán.

Nhìn chung, hệ số NIM được kỳ vọng tăng dần (được mở rộng) hoặc ổn định.

Ngoài 3 chỉ tiêu ROA, ROE và NIM thì người ta cũng có thể sử dụng thêm 2 chỉ tiêu khác để đo lường mức độ sinh lời trên các tài sản có sinh lãi, hoặc mức độ phí tổn trên các nguồn lực huy động được.

3. Tỷ suất sinh lời trên các tài sản có sinh lãi (YOEA)

Tiếng anh là Yield on Earning Assets (YOEA)

YOEA = Thu nhập lãi / Tài sản sinh lãi bình quân

Tài sản có sinh lãi tạo ra nguồn thu nhập chính cho ngân hàng, cách tính đã được đề cập ở phần tính NIM. YOEA cao có thể thấy mức sinh lời cao từ tài sản của ngân hàng, đồng thời cũng có thể ngụ ý mức độ rủi ro cao trong danh mục tài sản có sinh lãi của ngân hàng. YOEA thấp có thể hàm ý rằng ngân hàng sở hữu tài sản sinh lợi ở mức thấp.

4. Tỷ lệ chi phí huy động vốn (COF)

Chi phí huy động bình quân cho biết ngân hàng phải huy động với mức lãi suất bình quân là bao nhiêu. Hoạt động cốt lõi của ngân hàng là huy động tiền nhàn rỗi sau đó đi cho vay lại. Ngân hàng càng có lợi thế khi huy động được nguồn vốn giá rẻ thì khi cho vay ngân hàng càng được lợi.

COF = Chi phí lãi / nguồn huy động có tính lãi bình quân

Nguồn vốn ngân hàng huy động được bao gồm các khoản tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác, tiền gửi của khách hàng, phát hành các giấy tờ có giá để huy động vốn (trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi…)…

[L] Thanh khoản

Trong ngành ngân hàng thanh khoản là yếu tố sống còn, một ngân hàng có thể lỗ triền miên nhưng vẫn có thể hoạt động, nhưng chỉ cần mất thanh khoản hệ thống thì phá sản. Thanh khoản trong ngân hàng bao gồm sự cân đối, bù đắp giữa nguồn thu và nguồn chi, thể hiện khả năng hoàn thành các nghĩa vụ của ngân hàng đối với các bên tin dụng liên quan. Chỉ tiêu này có đặc điểm đánh giá các vấn đề như: Ngân hàng có trả được tiền lãi cho các bên huy động được hay không (khách hàng gửi, vay từ tổ chức khác…)? Và nếu có thì dùng nguồn nào để trả? Mức độ đảm bảo của nguồn đó như thế nào? Ta xem xét các chỉ tiêu định lượng cụ thể mà phản ảnh đặc điểm này trong hoạt động của ngân hàng.

Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR)

Tiếng anh là Loan-to-deposit ratio (hệ số LDR)

LDR = Dư nợ cho vay / tổng vốn huy động được

Mình thường sử dụng phần liên quan đến khách hàng, nó phản ánh rõ hơn tình hình tín dụng cho ngân hàng (không tính đến việc support từ các tổ chức tín dụng, thường có trong các mô hình công ty mẹ-con). Do vậy, ở đây LDR được xác định bằng việc dùng dư nợ cho vay khách hàng và vốn huy động từ tiền gửi khách hàng.

LDR theo nguyên lý thì thấp hơn 100%, cho vay nguồn nào thì nên dùng nguồn đó; tuy nhiên 1 số ngân hàng có thể đa dạng trong việc huy động và cho vay tùy từng thời điểm. LDR cao có thể làm tăng rủi ro thanh khoản, nhưng nếu quá thấp sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.

author
Tác giả

Khôi Lê

Ông Khôi Lê, Giám đốc Quản lý Tài sản tại CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) từ 2015, sở hữu nhiều kinh nghiệm trong đầu tư và tư vấn tài chính. Ông đã dẫn dắt đội ngũ, phát triển chiến lược tăng trưởng và xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng, mang lại giá trị vượt trội cho nhà đầu tư.

Hãy là người đầu tiên đánh giá và chia sẻ ý kiến của bạn!

Bình luận gần đây

Chưa có bình luận. Hãy là người đầu tiên tham gia thảo luận chủ đề này


Tham gia thảo luận: