LUẬT DẦU KHÍ NĂM 2022: NHIỀU ĐIỂM MỚI NHẰM TĂNG ƯU ĐÃI, THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO HOẠT ĐỘNG DẦU KHÍ

Tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4, trong đó có Luật Dầu khí (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nêu rõ Luật Dầu khí năm 2022 với nhiều chính sách mới, kỳ vọng sẽ tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 (Luật Dầu khi năm 2022) gồm 11 chương, 69 Điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 thay thế Luật Dầu khí ngày 06/7/1993 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 19/2000/QH10, Luật số 10/2008/QH12 và Luật số 35/2018/QH14.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Dầu khí năm 2022 đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là về năng lượng; bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia bao gồm cả chủ quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành.

Việc xây dựng Luật bảo đảm quan điểm thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với các điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, địa phương; tạo sự minh bạch rõ ràng, phòng chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong quản lý và thực hiện các hoạt động dầu khí. Đồng thời, kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật dầu khí hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; bảo đảm tính ổn định trong quá trình thực hiện các hợp đồng dầu khí đã ký kết.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định Luật Dầu khí năm 2022 đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm sự thống nhất, tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Giới thiệu những điểm mới cơ bản của Luật Dầu khí năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công thương nêu rõ: Luật đã bổ sung chính sách về điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động điều tra, khảo sát ban đầu nhằm đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí làm căn cứ cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí (từ Điều 10 đến Điều 14, Chương II). Bổ sung, hoàn thiện các quy định về hợp đồng dầu khí theo hướng thuận lợi, linh hoạt hơn cho nhà thầu (từ Điều 26 đến Điều 41, Chương IV).

Luật đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về trình tự phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí bảo đảm tính tương đồng với hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan (từ Điều 42 đến Điều 52, Chương Chương V). Bổ sung, hoàn thiện các quy định về dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của dự án phát triển mỏ dầu khí (Điều 42, Chương V).

Liên quan đến các chính sách ưu đãi, Luật đã bổ sung chính sách ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khi thông qua hợp đồng dầu khí nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí (các Điều 53 và 54, Chương VI); Bổ sung chính sách về khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thực tận thu nhằm tạo cơ chế đột phá, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước (Điều 41, Chương IV và Điều 55, Chương VI).

Luật đã bổ sung, hoàn thiện quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khi phù hợp với đặc thù của hoạt động dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế (các Điều 56 và 57, Chương VII).

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động dầu khí, Luật lần này đã quy định theo hướng tăng cường phân cấp cho Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí (Chương V); phân cấp cho Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong phê duyệt việc sử dụng vốn của Tập đoàn và doanh nghiệp 100% vốn của Tập đoàn, phù hợp với chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi kèm với tăng cường kiểm tra, giám sát (Điều 63, Chương IX). Luật quy định rõ chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhằm phân định rõ hai vai trò chính của Tập đoàn là thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao và tham gia hợp đồng dầu khí với vai trò nhà thầu (từ Điều 60 đến Điều 64, Chương IX).

Cùng với đó, có quy định về việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẽ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm sử dụng tối ưu, hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có, tránh lãng phí trong đầu tư (Điều 5, Chương II; các Điều 58 và 59, Chương VIII).

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An bày tỏ với các chính sách mới nêu trên, Luật Dầu khí năm 2022 kỳ vọng sẽ tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết thêm, để bảo đảm các nội dung của Luật được triển khai thực hiện có hiệu quả, Bộ Công Thương đang phối với với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, cơ quan có liên quan để xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Dầu khí năm 2022; xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí; xây dựng và ban hành các Thông tư hướng dẫn chi tiết các nội dung được giao trong Nghị định. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Dầu khí năm 2022 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn Luật; rà soát, kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm đủ năng lực để tổ chức triển khai thi hành Luật Dầu khí năm 2022.

Trả lời câu hỏi liên quan đến tác động của Luật Dầu khí sau khi có hiệu lực thi hành, đại diện Bộ Công thương cho biết, trong những năm qua, hoạt động dầu khí phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức dẫn đến suy giảm trữ lượng khai thác, khó khăn triển khai dự án mới. Tuy nhiên hoạt động dầu khí vẫn đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước. Kì vọng của Quốc hội và Chính phủ khi sửa đổi Luật lần này là có thêm những chính sách mới ưu đãi cho hoạt động dầu khí trong thềm lục địa nước ta, bên cạnh ưu đãi thông thường là những ưu đãi đặc biệt, tận thu khai thác ở các mỏ cuối khai thác, khai thác cận biên nhằm tăng nguồn thu. Cùng với đó là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư, khắc phục chồng chéo các luật liên quan để tăng tính chủ động, hấp dẫn đầu tư.

author
Tác giả

iShareinvest

" The market can stay irrational longer than you can stay solvent. " - John Maynard Keynes

Hãy là người đầu tiên đánh giá và chia sẻ ý kiến của bạn!

Bình luận gần đây

Chưa có bình luận. Hãy là người đầu tiên tham gia thảo luận chủ đề này


Tham gia thảo luận: