Bloomberg: 3 sự kiện đang diễn ra có thể dập tắt 'ước mơ' hạ cánh mềm của Fed
Giới chuyên gia nhận định, 3 yếu tố này có thể hạn chế đà tăng trưởng của Mỹ trong quý IV, dù ít hay nhiều.
Lạm phát Mỹ đang có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi thị trường lao động vẫn khá “nóng” đang thúc đẩy những kỳ vọng cho rằng Fed có thể đạt mục tiêu “hạ cánh mềm”.
Tuy nhiên, 3 sự kiện khác đang diễn ra có thể khiến nền kinh tế Mỹ đi lệch hướng so với hiện tại. Đó là cuộc đình công chưa từng có của nhân sự ngành sản xuất ô tô, rủi ro chính phủ đóng cửa và việc các khoản vay sinh viên có hiệu lực trở lại.
Theo Bloomberg, 3 yếu tố này có thể hạn chế đà tăng trưởng của Mỹ trong quý IV, dù ít hay nhiều. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs ước tính, tốc độ tăng trưởng có thể giảm xuống 1,3% từ mức 3,1% trong quý III.
Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng của EY-Parthenon, ước tính, tác động của các sự kiện trên sẽ khiến tốc độ tăng trưởng giảm 0,8 điểm phần trăm. Ông chỉ ra nguyên nhân là chi tiêu sụt giảm và hoạt động đầu tư vốn đang chịu áp lực. Ngoài ra, đà tăng trưởng có thể trượt về mức 0.
Trong khi đó, Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng của KMPG ở Chicago, cảnh báo tình trạng nhân sự ngừng làm việc kéo dài trong lĩnh vực sản xuất ô tô - vốn đóng góp khoảng 3% vào GDP, sẽ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái trong quý cuối cùng của năm nay.
Các nhà kinh tế của Citigroup cho hay, cuộc đình công của liên đoàn United Auto Wokers diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi chuỗi cung ứng của ngành và giá cả đang dần bình thường trở lại. Tình trạng này tạo ra mối rủi ro đẩy lạm phát tăng cao.
Ngoài ra, việc các khoản vay sinh viên có hiệu lực trở lại có khả năng là một sự kiện không mấy tích cực khác. Anna Wong, chuyên gia của Bloomberg Economics, nhận định, sau thời kỳ đại dịch, 28 triệu người đi vay sẽ chịu áp lực từ chiến dịch chống lạm phát của Fed.
Wong cho hay: “Việc hoãn thanh toán đối với các khoản vay sinh viên đã làm chậm lại những tác động của việc Fed nâng lãi suất. Nếu không có chính sách này, thì việc lãi suất tăng cao đã khiến nền kinh tế giảm tốc từ trước.”
Nhìn chung, diễn biến của nền kinh tế cũng phụ thuộc vào việc các sự kiện này diễn ra như thế nào.
Cuộc đình công do Chủ tịch United Auto Workers - Shawn Fain, dẫn đầu, có sự tham gia của 1.500 nhân sự tại 3 nhà máy do General Motors, Ford Motor và Stellantis vận hành. Nếu cuộc đình công tương tự còn lan rộng ra toàn bộ 150.000 thành viên của UAW, thì gần 1/3 hoạt động sản xuất ô tô của Mỹ sẽ đóng cửa.
Theo Oxford Economics, sự kiện này sẽ khiến tăng trưởng tiền lương tạm thời ở mức âm. Hậu quả là tình trạng thiếu hụt ở các đại lý ô tô có thể đẩy giá ô tô mới lên cao, trong khi hạng mục này trong CPI đã giảm kể từ tháng 4.
Hàng trăm nhìn công chức liên bang cũng có thể ngừng làm việc vào tháng tới, dù không phải do họ chủ động lựa chọn. Một nhóm có quan điểm cực đoan tại Hạ viện không đồng tình với việc bỏ phiếu cho một số dự luật cần thiết để duy trì hoạt động của chính phủ và những tranh cãi nội bộ trong Đảng cộng hoà đã diễn ra.
Những thiệt hại đối với nền kinh tế Mỹ sẽ tăng dần theo thời gian. Các nhà kinh tế của Goldman ước tính, mỗi tuần chính phủ đóng cửa sẽ khiến tăng trưởng GDP quý IV giảm 0,15 điểm phần trăm.
Song, Goldman vẫn đưa ra triển vọng lạc quan trong năm tới. Nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius cho biết: “Chúng tôi dự đoán suy thoái sẽ không kéo dài và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Khi những lực cản này giảm bớt, tăng trưởng thu nhập sẽ tăng tốc trở lại nhờ thị trường lao động khởi sắc cùng mức lương thực tế cao hơn.”
Hatzius vẫn duy trì quan điểm Fed có thể không gây ra một cuộc suy thoái trong năm nay và đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%. Song, một số chuyên gia khác trên Phố Wall lại tỏ ra hoài nghi.
Nhóm các nhà kinh tế của Citigroup đã nghiên cứu về các chu kỳ kinh tế kể từ năm 1965 và phát hiện ra rằng việc kiềm chế lạm phát cùng thị trường lao động tăng “nóng” luôn cần 2 yếu tố là tỷ lệ thất nghiệp tăng và suy thoái. Báo cáo của Citigroup dự đoán Mỹ sẽ đối mặt với một cuộc suy thoái vào năm 2024.
Trong khi đó, nhiều tháng qua, cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers đã cảnh báo về việc thị trường lạc quan quá mức khi cho rằng Fed có thể “dập tắt” lạm phát mà không gây suy thoái. Ông dự báo về 1 trong những khả năng có thể xảy ra: hạ cánh mềm, không hạ cánh (lạm phát vẫn ở mức 3%) và một cuộc hạ cánh “cứng”.
Dù một cuộc suy thoái kỹ thuật có thể không xảy ra (2 quý tăng trưởng âm liên tiếp), nhưng nhà kinh tế Matthew Martin của Oxford Economics cho biết “kinh tế Mỹ vẫn có khả năng rơi vào giai đoạn tăng trưởng trì trệ do ảnh hưởng của lãi suất cao và chính sách tiền tệ thắt chặt, các khoản tiết kiệm sụt giảm và tăng trưởng việc làm yếu hơn.”
Một phân tích của Bloomberg Economics cho thấy, kể từ đầu những năm 1980, sự đồng thuận của các ước tính cho rằng kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm sẽ đạt đỉnh ngay trước khi nền kinh tế bắt đầu đi xuống.
Câu hỏi đã tồn tại suốt nhiều tháng nay đó là đà tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Mỹ khi nào mới đến hồi kết? Giờ đây, khi nhân sự ngành sản xuất ô tô gặp khó khăn, những người “ôm” khoản nợ sinh viên và công chức liên bang đối diện với rủi ro thu nhập sụt giảm, câu trả lời có thể sẽ sớm xuất hiện.
Bình luận gần đây
Chưa có bình luận. Hãy là người đầu tiên tham gia thảo luận chủ đề này
Tham gia thảo luận: