“Bằng chứng xã hội” – Nàng thơ của giới đầu tư

Hãy tham lam khi người khác sợ hãi và sợ hãi khi người khác tham lam - Warren Buffett

Các nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường chứng khoán đều biết câu nói nổi tiếng này của Warren Buffett, tuy nhiên không phải ai cũng có đủ dũng khí và khí chất để đi ngược lại với đám đông như ông. Bởi vì chúng ta chịu sự ảnh hưởng của “bằng chứng xã hội”.

Trong nhiều trường hợp, đi theo đám đông là một chiến lược hiệu quả.

Khi bạn lạc đường trong một ma trận đường đi như bàn cờ và không biết làm thế nào để ra được trục đường chính, thì đi theo đám đông các xe máy đang chạy là cách tốt nhất.

Tương tự, khi bạn nhìn thấy một đám đông đang hoảng loạn chạy khỏi một toà nhà nào đó, thì đừng vì tò mò mà dại dột bước chân vào đó.

Đây chính là bản năng của con người được các nhà nghiên cứu tâm lý gọi là “bằng chứng xã hội”.

Một nghiên cứu khá nổi tiếng của nhà tâm lý Solomon Asch, đã chứng minh con người có xu hướng bắt chước giống những người xung quanh.

Ông đã yêu cầu các sinh viên cùng tiến vào một gian phòng và đưa cho họ những câu hỏi đơn giản, hầu hết những sinh viên tình nguyện đều trả lời đúng các câu hỏi này.

Sau đó, ông trà trộn một vài người của ông vào đám đông các sinh viên này, yêu cầu họ (những người vào sau) thỉnh thoảng đưa ra các đáp án sai cho những câu hỏi tưởng chừng như rất dễ.

Kết quả là gì?

Những sinh viên tham gia thí nghiệm ban đầu ngày càng trả lời sai do họ vô tình bị nhóm người vào sau ảnh hưởng. Tỷ lệ trả lời sai lên đến 1/3.

Ở một căn phòng khác, nhóm sinh viên này không bị cài người cố tình trả lời sai thì tỷ lệ trả lời sai chỉ có 1/35.

Kết Luận: con người sẵn sàng bỏ qua thực tế và đưa ra một câu trả lời sai để phù hợp với phần còn lại của đám đông xung quanh. Đó chính là “bằng chứng xã hội”.

Ngạc nhiên chưa? Thế còn trong đầu tư thì sao?

“Bằng chứng xã hội” cũng vô tình trở thành “nàng thơ” của giới đầu tư

Tương tự như nghiên cứu bên trên, những nhà đầu tư thường có xu hướng tâm lý bầy đàn. Họ hào hứng mua vào những cổ phiếu mà những người khác đang mua, và bán tống bán tháo những cổ phiếu mà người khác muốn bán.

Tại sao như thế? Vì “bằng chứng xã hội”!

Nó thu hút bạn, làm cho bạn có cảm giác thoải mái và an toàn khi trở thành một phần của đám đông. Tuy nhiên, điều này có thể là một bất lợi để có thể trở thành một nhà đầu tư/giao dịch chứng khoán tốt.

Bởi việc trở thành một phần trong đám đông thì có nghĩa là tầm nhìn của bạn sẽ thiếu đi sự khác biệt. Lúc này thật khó để làm tốt hơn đám đông.

Bằng chứng xã hội hay Tâm lý bầy đàn

Đầu tư thành công đòi hỏi bạn phải tư duy theo cách riêng của mình và phải có thể cảm thấy bình thường khi bạn đang đi ngược lại đám đông.

Hãy đủ ngạo mạn để nghĩ rằng bạn có hiểu biết vượt trội so với đám đông, và hãy đủ khiêm nhường để nhận biết các giới hạn của mình, sẵn sàng chuyển hướng khi nhận ra sai lầm của mình.

Bạn phải tập đánh giá môi trường xung quanh, lập luận một cách logic và hành động dứt khoát khi những sự kiện đặc biệt xuất hiện, cho dù đám đông có đồng ý hay bất đồng với các kết luận của bạn.

Bằng chứng xã hội, hãy cố gắng cân nhắc nó

Trở lại với câu nói của Warren Buffett: “Hãy tham lam khi người khác sợ hãi và sợ hãi khi người khác tham lam”

Thập niên 60 (còn được gọi là thập niên “vút bay”) đã chứng minh câu nói này của Warren Buffet. Khi đó, chứng kiến sự tham lam vô độ của thị trường, ông đã kiên nhẫn đứng bên lề. Đến những năm 1970 khi mà thị trường sụp đổ, các nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán, thì Buffett đã xuống tiền mua rất nhiều cổ phiếu của các công ty đang bị định giá rẻ mạt lúc bấy giờ. Ông nói: 

Như một người đang khát vọng tình dục lạc vào hậu cung. Đây chính là thời điểm để bắt đầu đầu tư.

Giờ chính là lúc để đầu tư và trở nên giàu có. 

– Warren Buffett

Thời điểm tốt nhất để mua chứng khoán là khi đám đông đang sợ hãi nhất. Khi các tài xế taxi cũng đang say mê nói chuyện về chứng khoán, thì cũng là lúc bạn nên sợ hãi…

Kiên Huỳnh

Sư tầm từ Blog Tôi Đầu Tư

author
Tác giả

iShareinvest

" The market can stay irrational longer than you can stay solvent. " - John Maynard Keynes

Rating: 5
Đánh giá của bạn giúp chúng tôi cải thiện tốt hơn!

Bình luận gần đây

Chưa có bình luận. Hãy là người đầu tiên tham gia thảo luận chủ đề này


Tham gia thảo luận: