Mỹ lấy đâu hàng nghìn tỷ USD để vực dậy nền kinh tế và phát cho dân: Thu thuế, đi vay, hay in tiền?
Chính phủ liên bang Mỹ thâm hụt ngân sách triền miên nên không có doanh thu thuế để kích thích kinh tế, hai nguồn tiền còn lại là đi vay và in tiền mới.
Từ khi COVID-19 bùng phát tại Mỹ vào tháng 3/2020 đến nay, Quốc hội và Nhà Trắng đã tung ra ba chương trình cứu trợ về kinh tế và y tế với tổng quy mô khoảng 5.000 tỷ USD.
Cụ thể, vào ngày 27/3/2020, Tổng thống Donald Trump ký ban hành Đạo luật CARES về an ninh kinh tế và hỗ trợ trong đại dịch với giá trị khoảng 2.200 tỷ USD. Đạo luật dành ra 300 tỷ USD để phát tiền mặt cho hàng trăm triệu người dân Mỹ: Mỗi người lớn được 1.200 USD và mỗi trẻ nhỏ được 500 USD.
Khoảng 670 tỷ USD được dùng để hỗ trợ doanh nghiệp trả tiền lương cho người lao động, 500 tỷ USD để cho các doanh nghiệp vay hoạt động, gần 340 tỷ USD hỗ trợ cho chính quyền các bang và thành phố, ....
Cuối tháng 12/2020, lưỡng viện Quốc hội bỏ phiếu thông qua và Tổng thống Trump tiếp tục ký ban hành Đạo luật Chi tiêu Hợp nhất 2021 trị giá 2.300 tỷ USD, trong đó có 1.400 tỷ USD cho các khoản mục chi thường xuyên của năm tài khóa 2021 và 900 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế do thiệt hại của COVID-19.
Tháng 3/2021, tân Tổng thống Joe Biden ký ban hành Đạo luật Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ trị giá khoảng 1.900 tỷ USD.
Sau khi nhận 1.200 USD hồi đầu năm 2020, mỗi người trưởng thành tại Mỹ còn hai lần được phát tiền mặt nữa, trị giá 600 USD và 1.400 USD/người. Ngoài ra, người dân Mỹ còn được cắt giảm nhiều loại thuế, tăng cường trợ cấp thất nghiệp, cho phép nghỉ có hưởng lương, ...
Tổng thống Joe Biden mới đây còn đề xuất một gói kích thích kinh tế trị giá 1.750 tỷ USD nhằm đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, kích thích kinh tế hậu đại dịch.
Câu hỏi đặt ra là Mỹ lấy đâu ra tiền để chi trả cho những chương trình chi tiêu tốn kém này?
Tiền thuế không đủ chi hàng năm
Lần gần đây nhất ngân sách của chính quyền liên bang Mỹ có thặng dư là vào năm tài khóa 2001 với giá trị 128 tỷ USD. Liên tục trong 18 năm từ 2002 đến 2019, ngân sách liên bang đều thâm hụt, tổng giá trị lên tới trên 11.800 tỷ USD. Lưu ý đây là giai đoạn nền kinh tế hoạt động bình thường, không bị gián đoạn hay phong tỏa vì đại dịch.
Khi COVID-19 khởi phát vào năm 2020, nguồn thu không đi lên nhưng chi tiêu tăng sốc, hệ quả là ngân sách thâm hụt kỷ lục 3.132 tỷ USD. Sang năm 2021, mức độ thâm hụt đã giảm so với 2020 nhưng vẫn lên tới 2.772 tỷ USD, gấp gần ba lần năm 2019.
Tính theo quy mô nền kinh tế, thâm hụt năm 2021 tương đương 12,4% GDP, giảm so với mức 15% của năm ngoái nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với con số 4,7% của năm trước dịch.
Có thể thấy, nguồn thu của chính phủ Mỹ là không đủ để đáp ứng nhu cầu chi trong những năm yên bình và càng thiếu hụt nhiều hơn trong đại dịch.
Quanh năm lo nợ vượt trần, đóng cửa chính phủ
Khi thu từ thuế và phí không đủ cho chi tiêu, chính quyền liên bang sẽ phải vay nợ. Thực tế trong nhiều thập kỷ qua, khối nợ công của Mỹ không ngừng leo thang và đạt kỷ lục 28.500 tỷ USD trong năm 2021, tương đương 125% GDP.
Riêng trong quý II/2020 sau khi Washington tung ra gói cứu trợ đầu tiên trị giá 2.200 tỷ USD, dư nợ đã tăng tới 3.200 tỷ USD.
Chính phủ tích cực đi vay khiến Mỹ sớm chạm trần nợ công 28.400 tỷ USD trong năm 2021. Nếu không nâng trần nợ, Bộ Tài chính Mỹ sẽ không thể đi vay thêm, chính phủ không có tiền để hoạt động và nhiều cơ quan liên bang phải đóng cửa, càng không nói đến chuyện kích thích kinh tế.
Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã phải ngồi lại với nhau và sau nhiều ngày "cò kè bớt một thêm hai", đồng ý nâng trần nợ thêm 480 tỷ USD vào hôm 7/10.
Trần nợ mới 28.880 tỷ USD không trụ được lâu trước tốc độ vay nợ của Washington. Đến tháng 12, chính phủ Mỹ lại có nguy cơ phải đóng cửa, lưỡng đảng một lần nữa phải ngồi lại với nhau. Hôm 15/12 vừa qua, Quốc hội thống nhất dự luật nâng trần nợ thêm 2.500 tỷ USD rồi gửi tới Nhà Trắng. Ông Biden ký ban hành chính thức vào ngày 16/12, tránh thảm họa vỡ nợ quốc gia.
Fed in tiền tràn ngập nền kinh tế
Nhu cầu tài trợ cho các gói kích thích kinh tế đắt đỏ đã tạo nên áp lực khổng lồ cho hoạt động vay nợ của chính phủ Mỹ.
Câu hỏi đặt ra là những người cho vay lấy đâu ra tiền để liên tục mua trái phiếu Kho bạc Mỹ? Và các chủ nợ này có sợ Mỹ rơi vào cảnh vỡ nợ vì vay nợ quá đà hay không?
Câu trả lời là: Tiền đến từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và vì Fed có thể tạo ra tiền nên khó có chuyện chính phủ Mỹ hết tiền để trả nợ.
Hoạt động in tiền giấy và đúc tiền xu được thực hiện bởi Bộ Tài chính Mỹ. Tuy nhiên, Fed mới là đơn vị tính toán và quyết định mỗi năm cần đưa thêm bao nhiêu tiền vào lưu thông, sau đó Fed gửi đề xuất tới Bộ Tài chính để thực hiện.
Trong năm tài khóa 2020, Fed đã yêu cầu in gần 5,2 tỷ tờ tiền với mệnh giá khác nhau, tổng trị giá khoảng 143 tỷ USD.
Ngoài tiền giấy và tiền xu mà người dân có thể cầm trong tay, Fed còn tạo ra tiền trong tài khoản các ngân hàng thông qua bút toán điện tử trên máy tính, và đây là cách chủ yếu mà Fed gia tăng cung tiền trong nền kinh tế. Khi truyền thông nói đến việc "Fed in tiền", ý nghĩa chính không phải là dùng máy in để tạo ra các đồng bạc xanh trong ví mà là dùng máy tính để tăng lượng tiền trong tài khoản.
Thống kê của Fed cho thấy cả cung tiền mở rộng (M2) và cung tiền cơ sở (M0) của Mỹ đều tăng sốc trong đại dịch do một lượng tiền lớn được tạo thêm.
Luật của Mỹ không cho phép Fed in tiền rồi chuyển trực tiếp cho chính phủ chi tiêu. Thay vào đó, Bộ Tài chính phải vay nợ thông qua phát hành trái phiếu cho công chúng, thường là các ngân hàng, quỹ đầu tư lớn, ...
Tuy vậy, Fed lại được phép mua trái phiếu Kho bạc trên thị trường thứ cấp từ các ngân hàng thương mại, đây cũng là nghiệp vụ thị trường mở căn bản của ngân hàng trung ương.
Từ đầu đại dịch, mỗi tháng Fed chi ra 120 tỷ USD để mua trái phiếu, bao gồm 40 tỷ USD trái phiếu đảm bảo bằng nợ thế chấp (MBS) và 80 tỷ USD trái phiếu Kho bạc. Tổng giá trị của chương trình nới lỏng định lượng (QE) này lên tới hàng nghìn tỷ USD.
Nói cách khác, các định chế tài chính lớn như JPMorgan Chase, Bank of America, Wells Fargo, Goldman Sachs, ... bỏ ra 80 tỷ USD mỗi tháng để cho Bộ Tài chính vay, sau đó bán lại khoản vay này cho Fed và ăn chênh lệch giá.
Sau khi bán trái phiếu cho Fed, các ngân hàng lại có tiền để tiếp tục cho chính phủ vay, rồi lại bán cho Fed ăn chênh lệch, lại có tiền để cho vay vòng mới, ...
Nếu Fed không tích cực mua lại trái phiếu Kho bạc từ thị trường thứ cấp, các ngân hàng cũng sẽ không có dòng tiền để tiếp tục cho vay. Fed đã, đang và sẽ gián tiếp cho chính phủ Mỹ vay tiền để chi tiêu và kích thích kinh tế.
Bình luận gần đây
Chưa có bình luận. Hãy là người đầu tiên tham gia thảo luận chủ đề này
Tham gia thảo luận: