[Quy tắc đầu tư vàng] Edward Thorp –Từ thiên tài toán học trở thành tỉ phú đầu tư nổi tiếng khiến cả phố Wall lẫn các sòng bạc bậc nhất nước Mỹ phải “kính nể”

Trong lịch sử chỉ có một người duy nhất khiến cả phố Wall lẫn các sòng bạc bậc nhất thế giới kính nể, người đó không ai khác chính là thiên tài toán học Edward Oakley Thorp…

Edward Oakley Thorp (sinh ngày 14 tháng 8 năm 1932) là một giáo sư toán học người Mỹ, đồng thời ông cũng là một tác giả nổi tiếng chuyên viết sách toán học, kinh tế, đầu tư kiêm nhà quản lý quỹ phòng hộ. Bên cạnh đó, ông cũng là một trong những thiên tài toán học dành thời gian tâm huyết nghiên cứu và tìm ra cách đánh bại các nhà cái trong trò blackjack bằng cách vận dụng lý thuyết xác suất thống kê. Ông tiên phong trong các ứng dụng hiện đại của lý thuyết xác suất, bao gồm cả việc khai thác các mối tương quan rất nhỏ để đạt được lợi ích tài chính đáng kinh ngạc.

Ngay từ thuở nhỏ, Thorp đã nổi tiếng trong giới bạn bè vì khả năng học nhanh và chăm chỉ đọc sách. Bằng sự nỗ lực trên con đường học hành, không khó để ông lấy được bằng Tiến sĩ tại Đại học California vào năm 1958.

Sau khi tốt nghiệp, ông được mời làm giáo sư dạy Toán tại Học viện công nghệ Massachuset (MIT). Trong thời gian rảnh rỗi, ông thường rủ bạn bè đến các sòng bạc lớn tại Las Vegas để thư giãn và kiếm thêm. Đây cũng chính là xuất phát điểm khởi đầu cho một huyền thoại đầu cơ có một không hai trên thị trường tài chính sau này.

Là một thiên tài toán học, ông đã tìm ra cách đánh bại các nhà cái trong trò blackjack bằng cách vận dụng lý thuyết xác suất thống kê. Sau khi xuất bản cuốn sách đầu tay năm 1962 về cách đếm bài và chiến thắng nhà cái, ông trở nên nổi tiếng đến nỗi một số casino đã cấm ông vào chơi. Nhiều sòng bạc cũng đã phải thay đổi luật chơi để những người sử dụng hệ thống đếm bài của ông không thể chiến thắng và lấy hết tiền của họ.

Tài năng của Thorp tiếp tục được tỏa sáng khi ông bước chân vào thị trường chứng khoán . Vẫn chưa thỏa mãn với thành công tột đỉnh trên sòng bạc, Edward Thorp tiếp tục tham gia vào thị trường chứng khoán.

Có vẻ như chỉ có đỉnh cao của thị trường tài chính mới có thể giúp ông thể hiện hết sự thông minh vượt trội của mình. Tại chính phố Wall, ông đã kiếm được hàng trăm triệu USD. Ra đời năm 1969, quỹ Princeton Newport Partners của Thorp được coi là quỹ đầu cơ định lượng (tức sử dụng thuật toán để tự động giao dịch) đầu tiên của thế giới.

20 năm trôi qua đi mà không có quý nào quỹ của ông thua lỗ, từ số tiền 1,4 triệu USD ban đầu giờ đã lên tới 275 triệu USD, đạt mức lợi suất cao hơn gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của chỉ số S&P 500. Có thể nói những kỹ năng siêu việt về toán học, định giá quyền chọn và những chiếc máy tính đã đem đến cho ông lợi thế khổng lồ so với các nhà đầu tư khác

.Những gì mà Thorp đã làm được mang đến cho ông danh hiệu "người đỡ đầu" của nhiều trong số những nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới. Warren Buffett, bạn chơi bài bridge thân thiết của Thorp, khuyên các nhà đầu tư trong quỹ đầu cơ đầu tiên của ông hãy chuyển sang quỹ của Thorp.

Một trong những cuốn sách yêu thích của Bill Gross, nhà sáng lập PIMCO và xây dựng nó thành quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới, là cuốn "Đánh bại thị trường" mà Thorp viết năm 1967. Ken Griffin, nhà quản lý quỹ đang được trả lương cao nhất thế giới hiện nay, cũng cho biết quỹ Citadel của ông chịu nhiều ảnh hưởng từ những tài liệu mà Thorp chia sẻ.

Trong ngần ấy năm điều hành quỹ đầu tư, ông đã liên tục nghiên cứu mới và sử dụng các thuật toán để phân tích các thị trường giao dịch, trong đó nhiều phần được làm tự động. Quỹ của ông chuyên sử dụng các mô hình toán học để dự báo giá cổ phiếu trên các thị trường khắp thế giới.

Không chỉ nổi tiếng trong giới toán học và đầu tư, ông còn nổi danh là một người chồng, người bố mẫu mực luôn hướng mình về gia đình sau ngày dài lao động vất vả. Sau này, khi đang ở trên đỉnh của thành công, Thorp đã quyết định gác thời gian cùng vợ đi du lịch vòng quanh thế giới và vui đùa cùng con cháu. Những đứa cháu của ông hiện nay cũng đều đang học ở MIT.

Trong một cuốn sách mà ông đã phải mất khá nhiều thời gian để hoàn thành do người vợ đã quá cố Vivian phải chống chọi với bệnh ung thư, ông đã miêu tả "Cuộc đời chính là 1 chuyến phiêu lưu mà trong đó bạn cần phải cân bằng được công việc với cuộc sống gia đình. Đừng để mọi thứ trở nên quá muộn".

Gần đây nhất trong một bài phỏng vấn với Forbes, mặc dù không tiết lộ quá nhiều về hệ thống riêng của ông nhưng Thorp cũng đã mở rộng lòng chia sẻ một số kinh nghiệm đầu tư cho những nhà đầu tư mới:

Nguyên tắc 1: Hết sức khiêm tốn và luôn tự biết điểm dừng trong đầu tư

Edward Thorp mặc dù là một nhà thiên tài toán học, đồng thời là bạn thân lâu năm với Warren Buffett nhưng có vẻ Edward Thorp không đồng ý với người bạn của mình trong vấn đề tiếp cận thị trường chứng khoán. Edward Thorp luôn coi thị trường chứng khoán giống như sòng bạc và cách đầu tư của ông cũng ít nhiều mang phong cách như hồi ông ở Las Vegas. Theo quan điểm của ông "Bất cứ trường phái nào kiếm ra lợi nhuận cũng đều đáng để học hỏi".

Tuy nhiên, Edward Thorp cũng thừa nhận: "Điều quý giá mà tôi học được từ Benjamin Graham (thầy của Warren Buffett) là bạn cần phải cố gắng liên tục trong suốt cuộc đời". Bạn không nhất thiết phải đồng ý với phương pháp của Thorp và có thể bạn cũng không đồng ý với Warren Buffett. Bạn đầu tư theo kiểu gì cũng được và có quyền đi con đường riêng của mình nhưng để thành công bạn cần phải nỗ lực và làm việc liên tục không mệt mỏi giống như họ.

Phương pháp của bạn không cần phải đúng với tất cả. Edward Thorp không bao giờ cố gắng đầu tư vào tất cả mọi thứ vì ông đủ thông minh để biết được những hạn chế của mình cũng như sự nguy hiểm của việc tự tin quá mức. Đã có rất nhiều những bộ óc thiên tài, những người từng đoạt giải Nobel như Isaac Newton, Fisher Black, Myron Scholes, Winston Churchill… chẳng phải đã từng thua lỗ nặng nề trên thị trường đó sao?

Trên thị trường Mỹ có hàng ngàn mã cổ phiếu và Edward Thorp chỉ cần hệ thống đầu tư của mình chạy hiệu quả trên vài trăm mã cổ phiếu là đủ rồi. Đây cũng là một trong những lý do quỹ của ông không thể mở rộng và luôn chỉ duy trì ở mức trung bình. Đó là điểm yếu và cũng là ưu điểm của ông: Biết khi nào thì nên dừng lại. Ông cực kỳ thông minh nhưng không hề ảo tưởng về trí tuệ của mình. Hiếm có thiên tài nào trên thế giới lại có được sự tự chủ và ý thức kiềm chế lớn đến như vậy.

Nguyên tắc 2: Đương đầu với sự bất ổn và kiếm lợi từ đó

Đầu tư chứng khoán có nghĩa là đối phó với sự bất ổn. Thay vì tháo chạy lúc thị trường căng thẳng thì nhà đầu tư thông minh lại chào đón xu hướng suy giảm như cơ hội đầu tư tuyệt vời. Thorp minh họa điều này bằng hình ảnh tương tự "Ngài Thị trường", đối tác kinh doanh tưởng tượng của mọi nhà đầu tư.

Hàng ngày ‘Ngài thị trường" chào giá các nhà đầu tư hoặc để mua hoặc để bán cổ phần kinh doanh. Lúc thì thị trường bị quá khích bởi viễn cảnh kinh doanh và đưa ra mức giá quá cao, khi thì thất vọng bởi tương lai và đưa ra mức giá quá thấp.

Bởi thị trường chứng khoán có những cảm xúc tương tự nên bài học ở đây là bạn không nên để những quan điểm của "Thị trường" sai khiến những cảm xúc của riêng chính mình, hoặc tệ hơn là định hướng cho quyết định đầu tư của ta.

Thay vì thế, bạn nên định hình phong cách tiên lượng về giá trị của riêng mình trên cơ sở kiểm chứng sự kiện một cách chắc chắn và hợp lý. Hơn nữa nhà đầu tư cá nhân chỉ nên mua khi giá được chào có ý nghĩa và bán khi được giá. Ở một khía cạnh khác, thị trường đôi khi chao đảo bất thường, nhưng thay vì sợ hãi trước sự bất ổn, chúng ta hãy sử dụng nó như một cơ hội để mua được giá hời và bán ra khi cổ phần đạt được giá cao hơn giá trị thực.

author
Tác giả

iShareinvest

" The market can stay irrational longer than you can stay solvent. " - John Maynard Keynes

Hãy là người đầu tiên đánh giá và chia sẻ ý kiến của bạn!

Bình luận gần đây

Chưa có bình luận. Hãy là người đầu tiên tham gia thảo luận chủ đề này


Tham gia thảo luận: